Theo PGS,TS Bùi Minh Trí, những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất tại 18 Hoàng Diệu (năm 2002-2004) và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội (năm 2008-2009), đã tìm thấy một quần thể gồm 53 dấu tích nền móng công trình kiến trúc, 7 móng tường bao, 6 giếng nước, minh chứng xác thực lịch sử xây dựng Kinh đô Thăng Long hoa lệ dưới vương triều Lý. Đây được xem là phát hiện quan trọng nhất của khảo cổ học Việt Nam từ trước tới nay. Và nhờ phát hiện lịch sử này, Hoàng thành Thăng Long (HTTL) sau đó đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới vào tháng 10-2010.
Kể từ đó đến nay, mặc dù khảo cổ học đã minh chứng thuyết phục rằng, các dấu tích nền móng kiến trúc cung điện thời Lý dưới lòng đất khu di tích HTTL đều là kiến trúc gỗ, có bộ mái lợp ngói rất công phu, tráng lệ, hiếm có nơi nào có được, trở thành niềm tự hào của di sản. Nhưng hình thái kiến trúc cung điện thời Lý vẫn là điều bí ẩn, không có đủ cơ sở để nhận diện như kiến trúc Cố Cung – Bắc Kinh (Trung Quốc), Changdokung (Seoul – Hàn Quốc) hay Nara (Nhật Bản). Bởi lẽ, kiến trúc cung điện thời Lý thuộc loại kiến trúc cổ đã bị thất truyền. Do đó, việc nghiên cứu phục dựng hình thái kiến trúc là vô cùng khó khăn. Sau 10 năm kể từ khi được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, HTTL vẫn chưa thể giới thiệu đến công chúng về hình ảnh và vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long xưa.
Trong nhiều năm qua, để có thể giải mã được những bí ẩn về hình thái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long, Viện NCKT sau khi được thành lập, năm 2011, (tiền thân là Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành), đã được Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam giao nhiệm vụ là đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện Dự án “Chỉnh lý, nghiên cứu, đánh giá giá trị và lập hồ sơ khoa học khu di tích HTTL” (gọi tắt là Dự án Chỉnh lý). Nhiệm vụ thực hiện, gồm tổ chức tái điều tra, khai quật, nghiên cứu, đánh giá giá trị khu di tích HTTL tại 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội.
Trong những năm 2011-2014, khi tổ chức tái điều tra, khai quật nghiên cứu khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu, Viện NCKT đã phát hiện thêm được rất nhiều vấn đề khoa học mới, làm sáng rõ hơn tính chất, niên đại và chức năng các loại hình di tích kiến trúc đã xuất lộ từ năm 2004. Trên sơ sở tư liệu đó, Viện đã thiết lập hệ thống bản vẽ tổng thể mặt bằng kiến trúc cung điện thời Lý rất có giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu so sánh, thu thập tư liệu, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kiến trúc và hình thái kiến trúc. Từ đó, công cuộc nghiên cứu giải mã về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý bắt đầu được triển khai.
Phát hiện quan trọng và là chìa khóa để giải mã thành công về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý, đó là kiến trúc “đấu củng”.
Đấu củng là thuật ngữ kiến trúc bắt nguồn từ Trung Quốc. Đây là một loại kết cấu đỡ mái gồm hai bộ phận cấu thành, đó là “đấu” và “củng”. Trong đó, “đấu” đóng vai trò là bệ đỡ, còn “củng” giống hình khuỷu tay, đóng vai trò là tay đỡ, được dùng để đỡ một kết cấu khác bên trên.
Đặc biệt, trong khu di tích HTTL còn tìm thấy hệ thống lầu lục giác rất độc đáo nằm phía trước cung điện nhà dài ở phía Bắc và kiến trúc bát giác to lớn, hoành tráng có thể so với kiến trúc Tháp Thích Ca nổi tiếng của Trung Quốc thời Tống ở phía Nam.
Đưa di sản gần gũi hơn với công chúng
Từ sự giải mã thành công, Viện NCKT tiếp tục nghiên cứu phục dựng tổng thể hình thái kiến trúc của khu di tích HTTL. Bức tranh toàn cảnh về cung điện, lầu gác của thời Lý được tái hiện trên nền các vết tích khảo cổ học dưới lòng đất khu di tích 18 Hoàng Diệu và khu vực xây dựng Nhà Quốc hội hình thành. 64 công trình kiến trúc trong HTTL đã được nghiên cứu phục dựng, gồm 38 công trình kiến trúc cung điện và hành lang, 26 kiến trúc lục giác cùng hệ thống tường bao, đường đi và cổng ra vào công trình.
Viện đã nghiên cứu phục dựng 3D hình thái kiến trúc cung điện thời Lý và giới thiệu tại khu trưng bày khảo cổ học dưới tầng hầm Nhà Quốc hội. Hình ảnh về kiến trúc cung điện thời Lý sau hơn ngàn năm được tái hiện, giúp cho người xem hình dung rõ ràng hơn, cảm nhận sâu hơn về vẻ đẹp tráng lệ của kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa.
“Trong những năm 2011-2020, Viện đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn của Dự án Chỉnh lý và đã có nhiều thành tựu khoa học quan trọng trong nghiên cứu đánh giá giá trị về di tích, di vật của khu di tích HTTL. Trong đó, thành tựu nổi bật và quan trọng nhất trong nghiên cứu về di tích, đó là nghiên cứu giải mã những bí ẩn về hình thái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long dựa trên vết tích khảo cổ học và manh mối tư liệu lịch sử”, PGS,TS Bùi Minh Trí cho hay.
Bên cạnh đó, Viện đã biên soạn cuốn sách “Viện Nghiên cứu Kinh thành-chặng đường và dấu ấn”. Đây là cuốn sách thông minh, độc giả có thể sự dụng điện thoại quét mã QR để xem bài viết, xem Media hay tham quan bảo tàng ảo 3D về kiến trúc “đấu củng”; hình thái kiến trúc cung điện thời Lý khu vực xây dựng Nhà Quốc hội dựa trên tư liệu khảo cổ học và kết quả so sánh với kiến trúc cung điện cổ của các quốc gia châu Á…
Trong kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản HTTL, đưa di sản đến gần hơn với công chúng, một bảo tàng HTTL sẽ được triển khai trên diện tích 1.000m2/ 2 tầng với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị. Viện NCKT là một đơn vị khác cũng chỉnh lý hiện vật đào được ở HTTL để bàn giao lại cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long Hà Nội trưng bày trong bảo tàng. Trong đó, có một chiếc bát của nhà vua thời Lê sơ; nhiều hiện vật quý khác như nắp hộp men lục thời Lý hay mảnh vàng trang trí rồng thời Lý.
Nguồn: Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam